Lịch sử ngày Valentine
|
Lễ tình nhân khởi đầu từ năm 269 sau công nguyên, mang lại cơ hội ca ngợi tình yêu của các đôi lứa. |
Ngày ra pháp trường, vị linh mục để lại vài dòng ngắn cảm ơn cô gái về tình bạn và lòng trung thành của cô. Ông ký tên “Tình yêu từ Valentine của bạn”. Thông điệp này được viết vào ngày 14 tháng Hai, năm 269 sau công nguyên.
Cách đây đã lâu lắm rồi, từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, vua Claudius đang trị vị đế quốc La Mã. Để đảm bảo có được một quân đội hùng mạnh phục vụ cho việc chinh phục các vùng đất mới, Claudius rất cần có sự phục vụ của các thanh niên trai tráng trong vương quốc cho các cuộc chiến chinh bất tận. Để những người đàn ông không phải vướng bận nỗi lo gia đình, nhà vua đưa ra một đạo luật cực kỳ vô lý: không người đàn ông nào được phép lập gia đình, thậm chí cả yêu cũng không được phép.
Thông cảm với tình yêu của các đôi trai gái, một vị linh mục công giáo đã tổ chức các lễ cưới bí mật cho những đôi uyên ương. Hôn lễ vừa có vị ngọt ngào của tình yêu đôi lứa, vừa có sự hồi hộp căng thẳng đề phòng những bước chân của đám lính tuần tra theo lệnh của nhà vua.
Một đêm nọ vị linh mục vừa kết thúc lễ cưới bí mật cho một đôi bạn trẻ thì đám lính ập vào. Đôi uyên ương kịp thời thoát thân, vị linh mục bị bắt và tống giam vào ngục tối chờ ngày ra pháp trường. Từ trong ngục tối, vị linh mục vẫn rao giảng về tình yêu, những cuộc trao đổi của ông và con gái viên giám ngục đã làm cô gái cảm nhận được sự kỳ diệu của tình yêu, cô đã giúp ông rất nhiều trong việc tổ chức những đám cưới ngay trong ngục tối.
Ngày ra pháp trường, vị linh mục để lại vài dòng ngắn cảm ơn cô về tình bạn và lòng trung thành của cô. Ông ký tên “Tình yêu từ Valentine của bạn”. Thông điệp này được viết vào ngày 14 tháng Hai, năm 269 sau công nguyên.
Những dòng nhắn gửi này đã khởi đầu cho phong tục trao đổi những thông điệp tình yêu vào ngày ông bị tử hình, mà sau này được gọi theo nickname của ông: ngày Valentine... Những người yêu nhau chọn ngày này để tôn vinh tình yêu và để nói lên một chân lý: “tình yêu là bất tử”
Hoa hồng và Chocolate cho ngày Valentine
Hoa hồng là món quà cực kỳ tinh tế không gì thay thế được trong ngày lễ tình nhân, vì hoa hồng đỏ được coi là hoa thánh dành cho Thần Vệ nữ, nữ thần sắc đẹp, màu đỏ tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt. Hoa hồng đỏ thể hiện tình yêu của đôi lứa được xây nên từ chính những dòng máu đỏ lấy ra từ tim. Những cái gai của hoa hồng như những khó khăn và trắc trở sẽ gặp phải trên suốt quãng đường tình sẽ đi qua, nhưng ai đủ can đảm vượt qua thì sẽ đạt được tình yêu nồng thắm và cháy bỏng.
Khi bạn tặng cho một ai đó đóa hoa hồng đỏ nghĩa là bạn đã trao cho người ấy thông điệp cực kỳ quan trọng “I LOVE YOU”.
Chocolate trở thành quà tặng trong ngày Valentine bắt đầu từ năm 1902. Một trong những slogan được dập nổi trên những miếng chocolate là "Be Mine" (Hãy là của anh/em). Nếm một miếng Chocolate bạn sẽ cảm nhận được đầy đủ các vị : chát đắng, ngọt bùi... Cũng giống như khi bạn nếm trải tình yêu có khi ngọt ngào, có lúc đắng chát, nhưng tình yêu luôn mang đến cho con người sự thích thú khi được trải nghiệm nó.
Mặt khác Chocolate còn là một thực phẩm bổ dưỡng, mang lại cho con người sức khỏe, sự hưng phấn. Từ rất lâu trong các bộ tộc thổ dân da đỏ người ta đã biết đến Chocolate như một thực phẩm của quyền lực và sức mạnh.
Debra Waterhouse - tác giả cuốn “Vì sao phụ nữ cần Chocolate”, viết rằng: 68% phụ nữ có ham muốn dành cho Chocolate, 50% sẽ chọn chocolate hơn sex và 22% sử dụng Chocolate như một thực phẩm kích thích.
Valentine của dân tộc Việt
Rất nhiều bạn trẻ Việt ngày nay cho rằng Valentine là một ngày lễ được du nhập từ phương Tây, một ngày lễ ngoại. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ trong các lễ hội của dân tộc, chúng ta sẽ thấy tổ tiên người Việt cũng đã có một ngày lễ hội Valentine thuần Việt hết sức hấp dẫn và đặc sắc, thậm chí còn mãnh liệt hơn cả phương Tây. Đó là lễ hội Miếu Trò ở Lâm Thao Phú Thọ, hay còn gọi là lễ hội “linh tinh tình phộc”.
Chỉ riêng tên gọi “linh tinh tình phộc” hoặc “nõ nường” đã gợi cho người nghe một điều gì đó liên quan đến những hoạt động của tình ái. Một đoạn trích trong tác phẩm “Đêm hội nõ nường” của nhà văn Cao Sơn cũng thể hiện ý này: “Ngay cả các cụ cao niên nhất trong làng cũng không ai biết rõ Lễ hội Nõ Nường có tự bao giờ, chỉ biết cứ hai năm một lần, nhằm năm nhuận, đến hai tám tháng hai âm lịch là Hội diễn ra: rước linh tượng Nõ và Nường - mô phỏng hai cái đặc trưng riêng nhất của đàn ông và đàn bà".
Dân Việt ta từ lâu lắm cũng đã có một Valentine của riêng mình, một Valentine đầy màu sắc hội hè, đầy những hấp dẫn, đầy những kích thích rạo rực và hết sức nhân văn.
Nõ và Nường đều được làm bằng nan tre cật, được phết giấy và cắm những cành lá nhỏ ở những vị trí thích hợp, trông như thật.
Vào Hội, dân làng chọn ra các trai thanh nữ tú để khiêng kiệu. Nõ được rước đi từ đền thờ Ông. Nường rước đi từ đền thờ Bà. Hai kiệu Nõ Nường gặp nhau ở ngã ba đường cái quan, vờn nhau, quấn lấy nhau rồi song song cùng tiến về khu sân rộng trước hai đền. Lại vờn, lại múa và rồi trong tiếng hò reo, tiếng trống chiêng được thúc lên đến cực đỉnh thì Nõ và Nường đâm xuyên qua nhau và bùng cháy. Rồi thì đèn đuốc được tắt hết. Dân làng tản ra , những cặp vợ chồng trẻ, những cặp tình nhân chụm đầu bàn tán, phỏng ước.
Chỉ có 7 chàng trai và 9 cô gái được làng tuyển chọn kỹ lưỡng trong vô số những nam thanh nữ tú của làng đã đăng ký tham dự từ trước. Số 7 và số 9. Số 7 tượng trưng cho khí dương, cho trời, cho hạt giống. Số 9 tượng trưng cho khí âm, cho đất, nơi tiếp nhận hạt giống. Có chênh lệch vậy để nói rằng đất còn nhiều, cơ hội gieo trồng còn lớn, cứ thoải mái và đừng bao giờ mất hy vọng ở mùa sau.
Đám trẻ được làng chọn sẽ tản ra, cánh trai đi trước, tìm đến bên thửa ruộng ngồi thổi kèn lá, cánh con gái được bịt mắt, ngậm trên môi chiếc bẹ lúa non làm kèn cứ lắng theo tiếng kèn lá của người trai thổi mà tìm đến. Tiếng kèn gọi bạn. Tiếng lá bắp đáp lời bạn tình. Râm ran. Rộn lên rồi lắng dần. Và rồi ngay tại bờ ruộng, trong đêm yên tĩnh và bóng tối đồng loã, chở che của đêm cuối tháng, những cuộc giao hoan, ân ái được diễn ra. Người ta gọi đó là cách dạy cho lúa cách sinh sản.
Sáng hôm sau, những cặp đã tìm được nhau sẽ gặp làng trình báo để làng làm lễ cưới chính thức. Người ta tin rằng những cặp trai gái được thành thân theo nghi lễ này đều được thần linh phù hộ và có một cuộc sống đầy may mắn.”
(Trích Đêm hội nõ nường - nhà văn Cao Sơn) |
Phú Thi (tổng hợp